Bên cạnh thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng công chức, Chủ tịch UBND xã còn được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu của cơ quan chuyên môn và cấp phó.

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi nêu những điểm mới thể hiện tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.

Trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.

Cùng với đó, cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Cấp này còn thực hiện các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã.

Đối với chính quyền địa phương cấp xã, dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay.

Đặc biệt, cấp này được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.

Đồng thời, dự thảo Luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã đối với các vấn đề cấp xã thực hiện hiệu quả, sát thực tiễn hơn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đặc biệt, cấp tỉnh còn được đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị.,

Cùng với đó, dự Luật cũng quy định phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.

Dự Luật đưa ra 15 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND xã. Theo đó, người này có nhiệm vụ lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính…

Bên cạnh lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc cấp của mình, Chủ tịch UBND xã cũng phải chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương trong các lĩnh vực…

Đặc biệt, Chủ tịch xã có nhiệm vụ chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.

Chủ tịch xã còn quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình.

Người đứng đầu UBND xã được quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch UBND cấp mình, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình.