Theo thống kê, tại Thanh Hóa đã có 221 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, hư hỏng do mưa lớn, dông lốc, trong khi bão số 3 (Wipha) chưa đổ bộ.

Ngày 21-7, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa, tính từ 20 giờ ngày 20-7 đến 6 giờ ngày 21-7, trên địa bàn xảy ra mưa ở nhiều nơi. Một số nơi ghi nhận lượng mưa khá lớn như xã Quang Chiểu (73,2 mm) và xã Mường Lát (28,2 mm).

Bão số 3 chưa vào, hàng trăm nhà dân ở Thanh Hóa đã tốc mái, hư hỏng- Ảnh 1.

Bão số 3 chưa vào, Thanh Hóa đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng do mưa giông

Mưa lớn kèm giông lốc đã làm nhiều tài sản, nhà cửa của người dân, công trình an sinh xã hội bị hư hỏng, mặc dù bão số 3 (Wipha) vẫn chưa vào bờ.

Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Thanh Hóa có 221 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 1 nhà phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất; gần 19 ha lúa, hơn 61 ha rau màu, 33,5 ha cây trồng hằng năm, 5 ha cây lâu năm bị hư hại; 157 cây xanh đô thị và bóng mát bị gãy đổ; hai điểm trường bị hư hỏng nhẹ; 61 cột điện hạ thế và 6 cột viễn thông bị gãy, nghiêng; 3 ô tô con và 4 xe máy bị hư hỏng; 2 trụ sở cơ quan, 5 nhà xưởng… bị hư hỏng.

Mưa lớn và gió giật còn khiến 1 người bị thương là ông Hoàng Văn Q. (SN 1966, trú tại thôn Hải Tiến, xã Như Thanh), do cây đổ trúng người khi đang di chuyển qua xã Mậu Lâm. Hiện ông Q. đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Như Thanh, sức khỏe ổn định. Trên địa bàn cũng ghi nhận 1 hộ dân phải di dời khẩn cấp do nguy cơ cao sạt lở đất.

Bão số 3 chưa vào, hàng trăm nhà dân ở Thanh Hóa đã tốc mái, hư hỏng- Ảnh 2.

Ngư dân xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa gia cố các ao nuôi tôm công nghệ cao để phòng chống bão số 3

Trước diễn biến bất thường của bão số 3 (Wipha) ngay trong chiều 20-7, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh, cùng với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại xã Hoa Lộc và xã Nga Sơn, những địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng nặng do bão.

Tại các xã ven biển Hải Tiến, Hoằng Châu, Sầm Sơn, Nam Sầm Sơn… công tác ứng phó cũng đã được các cấp chính quyền, người dân triển khai ngay khi có chỉ đạo. Việc chằng chống nhà cửa, công trình, nhà xưởng… được triển khai rất khẩn trương, đảm bảo an toàn trước khi bão có thể đổ bộ.

Để đảm bảo an toàn về người, tài sản của người dân, tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản cấm biển từ 8 giờ ngày 21-7. Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại (nếu có) và báo cáo kịp thời về văn phòng để phục vụ công tác tổng hợp, chỉ đạo ứng phó.

Tính đến 7 giờ ngày 21-7, toàn tỉnh còn 9 phương tiện với 88 lao động đang hoạt động trên biển. Chính quyền địa phương đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để kêu gọi, thông tin, đảm bảo an toàn cho ngư dân.