Lo ngại trước tình trạng dầu ăn giả, dầu bẩn, nhiều người dân Nghệ An chọn cách mang lạc, vừng, đậu tương đi ép lấy dầu để sử dụng dù giá cao gấp 3 lần.

Các cơ sở ép dầu lạc, vừng thủ công tại nhiều địa phương ở Nghệ An đang hoạt động hết công suất, quá tải từ sáng sớm đến đêm khuya. Người dân đổ xô mang nguyên liệu đến ép dầu, phản ánh mối lo ngại sâu sắc về chất lượng dầu ăn công nghiệp trên thị trường.

Tại xóm Trường An, xã Đông Lộc, cơ sở ép dầu của anh Hoàng Văn Quân trở thành điểm đến quen thuộc. Anh Quân cho biết, nhu cầu ép dầu tăng đột biến trong hơn một tháng qua, đặc biệt sau khi xuất hiện các thông tin cảnh báo về dầu ăn kém chất lượng.
Người dân đổ xô đi ép dầu lạc vì lo ngại dầu ăn “bẩn” - 1Người dân mang lạc đến cơ sở sản xuất làm sạch trước khi đưa vào máy ép dầu (Ảnh: Nguyễn Phê).

“Đang mùa thu hoạch lạc nên người dân mang đến ép rất nhiều. Có người chỉ vài yến, người mang cả tạ để dành dùng quanh năm. Một số người ở thành phố cũng tìm về mua lạc rồi chở đi ép để lấy dầu sạch về sử dụng”, anh Quân chia sẻ.

Mỗi ngày, cơ sở của anh Quân tiếp nhận 1-1,5 tấn nguyên liệu như lạc, vừng, đậu tương. Lạc nhân sau khi làm sạch sẽ được ép 2-3 lần để vắt kiệt dầu, sau đó dầu thô được lọc qua máy nén khí để cho ra thành phẩm.

Theo anh Quân, 10kg lạc nhân cho ra khoảng 5 lít dầu. Dầu lạc nguyên chất có giá 120.000-130.000 đồng/lít, cao gần gấp 3 lần dầu công nghiệp, nhưng vẫn được ưa chuộng để dùng trong gia đình, làm quà biếu hoặc gửi cho người thân ở xa.

“Trước đây chúng tôi dùng phương pháp ép tay nên rất mất thời gian, công đoạn nào cũng phải có người làm trực tiếp. Bây giờ có máy hỗ trợ, năng suất tăng gấp đôi, gấp ba nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của bà con”, anh Quân chia sẻ.
Người dân đổ xô đi ép dầu lạc vì lo ngại dầu ăn “bẩn” - 2Cơ sở sản xuất dầu lạc của gia đình ông Dương phục vụ hết công suất (Ảnh: Nguyễn Phê).

Bà Trần Thị Phong, trú xã Đông Lộc, chia sẻ: “Chúng tôi trồng được lạc nên tự ép về dùng, vừa tiết kiệm vừa an toàn. Dầu lạc thơm, dễ ăn, lại không lo hóa chất. Mấy năm nay dùng quen rồi nên giờ mua dầu ngoài chợ ăn không vào”.

Ngoài lạc, nhiều gia đình còn trồng vừng, đậu nành để ép dầu. Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, mỗi năm bà ép 150-200kg vừng để dùng, biếu và bán. Dầu vừng có giá cao hơn dầu lạc, 200.000-220.000 đồng/lít, nhưng được ưa chuộng vì thơm, béo và không bị hôi dầu khi để lâu.

Quy trình ép dầu thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, từ việc chọn lọc hạt đến loại bỏ tạp chất. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc hiện đại.

Tại xã Đông Lộc, cơ sở ép dầu của anh Nguyễn Hữu Dương cũng đang quá tải. Hơn một tháng qua, anh phải huy động thêm 3 người thân hỗ trợ từ sáng đến tối muộn.

Người dân đổ xô đi ép dầu lạc vì lo ngại dầu ăn “bẩn” - 3Sản phẩm dầu lạc được người dân tin dùng (Ảnh: Nguyễn Phê).

“Tôi làm liên tục từ 6h đến 22h mà vẫn chưa ép hết số nguyên liệu bà con mang đến. Gần đây, nhiều người lo ngại trước nạn dầu giả, dầu pha trộn nên đổ xô đi ép dầu sạch về dùng. Những hộ không trồng lạc thì đi mua của dân rồi mang đến thuê ép”, anh Dương chia sẻ.

Sau khi ép, phần bã lạc và các loại hạt được người dân tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, đảm bảo không có gì bị lãng phí. Xu hướng tự ép dầu tại nhà hoặc mang đến các cơ sở nhỏ lẻ ngày càng lan rộng ở Nghệ An, đặc biệt tại các huyện đồng bằng trồng nhiều lạc như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu.

Trong bối cảnh thị trường thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, việc “tự cứu mình” bằng cách trở về với phương pháp truyền thống đang được nhiều người lựa chọn như một giải pháp an toàn và bền vững.