Giá vàng hôm nay (16-7): Vàng miếng và vàng nhẫn quay đầu giảm đến 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, về sát mốc 121 triệu đồng/lượng. Vàng thế giới nhích tăng nhẹ song vẫn thấp hơn khoảng 15,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Giá vàng trong nước hôm nay

Các thương hiệu DOJI, SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu đồng loạt giảm giá vàng miếng 400.000 đồng/lượng, niêm yết giá ở mức 119,1 – 121,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Riêng Phú Quý SJC mua vào thấp hơn 700.000 đồng/lượng so với các thương hiệu vàng khác, niêm yết ở mức 118,4 triệu đồng/lượng mua vào và 121,1 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 400.000 đồng/lượng).

Giá vàng miếng trong nước cập nhật lúc 5 giờ sáng 16-7 như sau:

Giá vàng hôm nay (16-7): Mỗi lượng vàng "bốc hơi" 400.000 đồng

 Giá vàng hôm nay (16-7): “Bốc hơi” 400.000 đồng/lượng. Ảnh minh họa: congthuong.vn

Tương tự vàng miếng, giá vàng nhẫn hôm nay cũng quay đầu giảm, niêm yết ở mức cao nhất là 118,8 triệu đồng/lượng bán ra.

Cụ thể, SJC niêm yết giá vàng nhẫn 9999 ở mức 114,6 – 117,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

DOJI giao dịch vàng nhẫn ở mức 115,6 – 118,6 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

PNJ giao dịch vàng nhẫn ở ngưỡng 115,2 – 118,2 triệu đồng/lượng, ổn định ở cả hai chiều.

Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 115 – 118 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

Vàng nhẫn thương hiệu Bảo Tín Minh Châu cũng giảm giá mỗi chiều 400.000 đồng/lượng, niêm yết ở mức 115,8 – 118,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Giá vàng thế giới hôm nay

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay hôm nay niêm yết quanh ngưỡng 3.327 USD/ounce (tương đương gần 105,9 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí).

Giá vàng thế giới nhìn chung tăng giá 0,09% nếu tính trong vòng 24 giờ qua nhưng giảm đến 3,5% nếu tính trong vòng 30 ngày qua.

Hiện tại, vàng thế giới thấp hơn khoảng 15,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Giá vàng hôm nay (16-7): Mỗi lượng vàng "bốc hơi" 400.000 đồng

Ảnh minh họa: Arttimes

Tuy giá vàng thế giới hôm nay nhích tăng nhẹ song về cơ bản, giá vàng gần như đi ngang khi sự chú ý tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại và số liệu kinh tế tích cực của Mỹ vừa được công bố cho thấy không gây lo ngại về lạm phát. Trong khi đó, đồng USD đạt mức đỉnh gần ba tuần, khiến vàng được giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.

Mặc dù vàng vẫn duy trì trên mức giá 3.300 USD/ounce song các chuyên gia cho rằng, vàng vẫn cần một “cú hích” mới để vượt ngưỡng đỉnh 3.400 USD vào hồi tháng 4 vừa qua. Trong bối cảnh hiện tại, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất được xem là “chìa khóa” để giá vàng bứt phá. Dù khả năng hạ lãi suất trong tháng 7 đã hoàn toàn bị loại khỏi thị trường, giới đầu tư vẫn đặt cược vào một đợt FED cắt giảm lãi suất trong tháng 9 tới, bất chấp dữ liệu lạm phát cao hơn.

Trong khi hợp đồng tương lai đối với vàng có dấu hiệu giảm nhiệt, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương vẫn duy trì vững vàng, với lượng mua ròng được ghi nhận đều đặn mỗi tháng tính đến hết tháng 5.

Bà Ewa Manthey, Chiến lược gia thị trường hàng hóa tại ING – một ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan dẫn số liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy: Các ngân hàng trung ương đã bổ sung 20 tấn vàng vào dự trữ toàn cầu trong tháng 5 – tăng nhẹ so với tháng trước, dù vẫn thấp hơn mức trung bình 12 tháng là 27 tấn. Trong đó, Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan dẫn đầu lực mua trong tháng 5 với 7 tấn vàng; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan – mỗi nước mua 6 tấn. Trong khi đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) lại bán ra khoảng 5 tấn vàng trong cùng kỳ.