Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xác định lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp người dân, xong trước ngày 31/5/2026.

Nội dung này được nêu trong kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tại Quyết định số 758-QĐ/TTg.

Theo đó, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản của Chính phủ, trong đó nghiên cứu, xác định lộ trình, hướng dẫn sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, nâng cao tính tự quản, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn cơ sở. Thời gian thực hiện nhiệm vụ này hoàn thành trước ngày 31/5/2026.

Bên cạnh đó, công văn của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cũng định hướng tiếp tục xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính. Trước mắt giữ nguyên các thôn, tổ dân phố hiện có.

Sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu và hướng dẫn theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Tính đến hết năm 2021, cả nước có 90.508 thôn, tổ dân phố. Trong đó, có 69.580 thôn và 20.928 tổ dân phố.

Theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 chức danh (bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) được hưởng phụ cấp hàng tháng.

Thông tư 07/2024/TT-BNV quy định đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, quỹ phụ cấp được ngân sách Nhà nước khoán đối với mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP. Hiện nay, mức phụ cấp này được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, theo quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Ngân sách khoán quỹ phụ cấp để chi trả hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố tùy theo quy mô, đặc điểm đơn vị hành chính mà có mức khoán 4,5-6 lần lương cơ sở, tương đương từ 10,53-14,04 triệu đồng/tháng.

Mức phụ cấp nêu trên không giống nhau giữa các tỉnh, thành, bởi mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được UBND cấp tỉnh, HĐND cùng cấp quy định căn cứ vào quỹ phụ cấp và đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và nguồn thu ngân sách của địa phương.

Trợ cấp với cán bộ không chuyên trách phải dừng hoạt động

Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư khi tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính được hưởng trợ cấp theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP.

Cụ thể, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó có trưởng thôn, tổ trưởng dân phố dôi dư khi tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp.

Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh bầu cử cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng.

Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.

Bên cạnh đó, đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh không do bầu cử, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng.

Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.