Được Đoàn Di Băng quảng bá là sản phẩm chiết xuất từ thảo dược, loại dầu gội này đã bị yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy vì không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.

Bộ Y tế công bố 2 sản phẩm giảm cân, ‘đốt mỡ’ có chứa chất cấm, yêu cầu thu hồi và khuyến cáo người dân ‘3 không’

Thu hồi toàn bộ mì chính giả của Công ty Famimoto Việt Nam

Dầu gội Hanayuki bị thu hồi toàn quốc do vi phạm quy chuẩn chất lượng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300g), có số tiếp nhận phiếu công bố 780/24/CBMP-ĐN, số lô 0010125, sản xuất ngày 05/01/2025, hạn dùng đến 04/01/2027.

Lô sản phẩm này do Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai sản xuất (địa chỉ: đường số 6, KCN Giang Điền, xã Giang Điền, Trảng Bom, Đồng Nai), và được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group chịu trách nhiệm đưa ra thị trường (địa chỉ tại cao ốc Đại Thanh Bình, Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh).
Thu hồi, tiêu hủy dầu gội thuần tự nhiên Hanayuki của 'đại gia quận 7' Đoàn Di Băng - ảnh 1
Sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo bị đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc (Ảnh: Internet)

 

Nguyên nhân thu hồi là do sản phẩm không đạt chất lượng kiểm nghiệm, vượt mức giới hạn vi sinh vật cho phép và có chứa 2-Phenoxyethanol – một chất không được kê khai trong công thức công bố chính thức.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương thông báo đến các cơ sở kinh doanh và sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh và sử dụng lô dầu gội này. Hai công ty liên quan phải gửi thông báo thu hồi đến tất cả các điểm phân phối, tiếp nhận sản phẩm bị lỗi từ thị trường và tổ chức thu hồi, tiêu hủy triệt để theo quy định.

Đồng thời, báo cáo chi tiết về quá trình xử lý lô sản phẩm này phải được gửi về Cục trước ngày 08/6/2025. Việc giám sát quá trình thu hồi được giao cho Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 780/24/CBMP-ĐN theo Thông tư 06/2011/TT-BYT, đồng thời yêu cầu kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về quản lý mỹ phẩm của cả hai công ty. Các vi phạm nếu phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm, kết quả báo cáo trước ngày 23/6/2025.

Sản phẩm Hanayuki và những lùm xùm quảng cáo sai lệch

Trong một buổi livestream, ca sĩ, doanh nhân Đoàn Di Băng từng giới thiệu Hanayuki Shampoo là sản phẩm thuần tự nhiên, chứa các thành phần như bồ kết, hà thủ ô, tinh dầu bưởi, hương nhu… với kết cấu loãng, ít bọt và “không cần dùng dầu xả”. Cô quảng bá sản phẩm có công dụng như: khử mùi da đầu, kích thích mọc tóc, phục hồi tóc hư tổn, trị gàu và giảm nấm da đầu.

Hiện nay, dầu gội Hanayuki vẫn đang được rao bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, giá dao động từ 220.000 – 230.000 đồng/chai, thường bán kèm dầu xả Hanayuki trong combo từ 420.000 – 475.000 đồng.
Thu hồi, tiêu hủy dầu gội thuần tự nhiên Hanayuki của 'đại gia quận 7' Đoàn Di Băng - ảnh 2
Đoàn Di Băng từng giới thiệu Hanayuki Shampoo là sản phẩm thuần tự nhiên (Ảnh: Internet)

Theo thông tin từ Báo Công thương, không chỉ dầu gội, nhiều sản phẩm khác mang thương hiệu Hanayuki cũng gây tranh cãi vì quảng cáo vượt quá công dụng mỹ phẩm. Đặc biệt, dung dịch vệ sinh phụ nữ Hanayuki Soft & Silk bị phản ánh là được Đoàn Di Băng quảng bá sai lệch. Trong nhiều video, cô tuyên bố sản phẩm có khả năng trị mụn, trị gàu, hôi nách, đau bụng kinh, kích thích sinh lý và làm lành vết rạch tầng sinh môn, dù các công dụng này thiếu cơ sở khoa học, thậm chí còn được khuyến cáo dùng cho trẻ sơ sinh, gây lo ngại nghiêm trọng về an toàn.

Mặc dù nhận mình là người sản xuất, bà Đoàn Di Băng lại thừa nhận không nắm rõ thành phần sản phẩm và cho rằng một số chất bị “lén lút” thêm vào trước khi được Bộ Y tế cấp phép.

Dung dịch Hanayuki hiện có ba dòng sản phẩm, giá từ 120.000 – 160.000 đồng/chai, được giới thiệu chiết xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên như lô hội, trầu không, nghệ tây… Tuy nhiên, trên các website như hanayuki.asia, hanayuki.net.vn và nhiều nền tảng mạng xã hội, các sản phẩm Hanayuki liên tục được quảng cáo bằng cụm từ như “trị mụn”, “trị nám”, “hỗ trợ điều trị”, dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc, vi phạm quy định quảng cáo mỹ phẩm.

Một số sản phẩm tiêu biểu như Kem trị mụn Hanayuki (570.000 đồng), Serum mini (240.000 đồng), Serum full size (670.000 đồng) và combo trị mụn (1.860.000 đồng) được rao bán kèm cam kết hiệu quả nhanh chóng, chỉ sau vài tuần. Ngoài website chính thức, Hanayuki còn được quảng bá rầm rộ trên Facebook, TikTok với ngôn từ thổi phồng như “thần dược”, khiến người tiêu dùng dễ bị lừa dối và gặp rủi ro khi sử dụng.