“Làm Nhà nước cho ổn định con ạ!” – Câu nói quen thuộc một thời dường như đang dần mất đi sức nặng trong tâm trí của nhiều bạn trẻ ngày nay. Đây không còn là cảm nhận chủ quan. Một nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân, dựa trên các buổi phỏng vấn sâu và khảo sát gần 2.000 bạn trẻ khắp cả nước, cho thấy bên cạnh những người trẻ vẫn thiết tha “vào Nhà nước”, thì đang có tỷ lệ đáng kể không còn ưu tiên công việc ở khu vực công như một lựa chọn hàng đầu cho sự nghiệp của mình.

Với thế hệ Z (sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012) và Millennials (sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990), sự phát triển kinh tế – xã hội ở giai đoạn họ trưởng thành giúp họ có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp, nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn là giữ tư duy “ổn định” như các thế hệ trước.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, khi xã hội dần thay đổi cách nhìn nhận về việc làm cả trong khu vực công và khu vực tư, thì điều quan trọng khi lựa chọn nghề nghiệp là có đóng góp thiết thực hay không, mang lại giá trị thực tế hay không chứ không phải là làm việc ở đâu.

Cuộc khảo sát cho thấy “lợi ích kinh tế” và “độ thú vị” của công việc là hai yếu tố then chốt định hình quyết định nghề nghiệp của nhiều bạn trẻ. Họ không nhất thiết đòi hỏi mức lương “trên trời”, nhưng cần một khoản thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra, đi kèm với một môi trường làm việc năng động, nơi họ có thể học hỏi, sáng tạo và phát triển các kỹ năng của mình. Đáng tiếc, theo đánh giá của nhiều bạn tham gia khảo sát, một số cơ quan hành chính công hiện tại chưa mang lại được điều đó.

Về “động lực phục vụ trong khu vực công?”, câu trả lời của nhiều bạn là “có” nhưng chưa trở thành sự thôi thúc mạnh mẽ. Không phải bạn trẻ nào cũng chỉ nghĩ đến tiền bạc. Rất nhiều người vẫn ấp ủ khát vọng được cống hiến, được làm những điều có ý nghĩa cho cộng đồng. Nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học Kinh tế Quốc dân đã khẳng định rằng “động lực phục vụ công” đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên điều quan trọng là môi trường làm việc phải ghi nhận năng lực và nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê của những người trẻ.

Một điểm đáng lưu tâm trong nghiên cứu là những người trẻ có trình độ học vấn cao (sau Đại học) và ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM lại có xu hướng ít mặn mà hơn với khu vực công. Lý do rất dễ hiểu: họ có những kỳ vọng lớn hơn về không gian phát triển, về cơ hội đổi mới sáng tạo trong môi trường ngoài Nhà nước.

Nghiên cứu cũng cho thấy những người có người thân làm việc trong các cơ quan nhà nước, có xu hướng đánh giá khu vực này tích cực hơn. Có lẽ, sự hiểu biết sâu sắc hơn về “bức tranh” bên trong – cả những điểm mạnh và những hạn chế – đã giúp họ có cái nhìn khách quan hơn.

Một vấn đề cũng được chỉ ra qua nghiên cứu, đó là trong khi các doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả những công ty khởi nghiệp nhỏ đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng “thương hiệu” nhà tuyển dụng – với những trang web ấn tượng, những câu chuyện nhân sự đầy cảm hứng và những chính sách thu hút người trẻ hấp dẫn – thì nhiều cơ quan hành chính công vẫn chưa xem đây là một phần quan trọng trong chiến lược nhân lực của mình. Nhiều cơ quan gần như “mất hút” trên các nền tảng tuyển dụng hiện đại, ít tương tác trên mạng xã hội và thiếu đi những kênh thông tin phản hồi hiệu quả để thấu hiểu những mong muốn của ứng viên.

Chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với nhiều bạn trẻ tốt nghiệp các chuyên ngành quản lý công, chính sách công – những người có kiến thức, có tinh thần cống hiến. Tuy nhiên, đa số họ lại lựa chọn làm việc tại khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ hoặc tự khởi nghiệp, thay vì gia nhập bộ máy Nhà nước. Có người vì thấy khó có cơ hội “vào Nhà nước”; có người thì cho hay chưa nhận được một lời “mời gọi” đúng nghĩa. Nhiều bạn chia sẻ là chưa thấy một lộ trình phát triển rõ ràng, chưa cảm nhận được sự trân trọng đối với năng lực của mình.

Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, áp dụng chuyển đổi số và lấy khoa học công nghệ làm một trong những động lực chính cho phát triển đất nước, Việt Nam đang rất cần một đội ngũ cán bộ trẻ – những người có kiến thức cập nhật về khoa học công nghệ, mang trong mình tư duy đổi mới và năng lực hội nhập quốc tế.

Để thu hút và giữ chân được lực lượng lao động trẻ đầy tiềm năng này, thiết nghĩ khu vực công cần có những chiến lược nhân sự phù hợp trước sự năng động, linh hoạt và vượt trội về thu nhập của khu vực tư nhân trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài.

Hơn bao giờ hết, các cơ quan hành chính công cần chủ động xây dựng “thương hiệu” tuyển dụng của mình – từ việc truyền thông một cách hiệu quả cho đến việc thay đổi thực chất môi trường làm việc bên trong.

Được biết hiện nay dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Dự thảo Luật có nhiều nội dung, trong đó bên cạnh đổi mới phương thức tuyển dụng theo vị trí việc làm, dự thảo còn sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể và xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục chế độ “biên chế suốt đời”.

Thiết nghĩ đây là xu hướng đúng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, cả từ phía cơ quan Nhà nước và từ phía các nhân sự đang tìm kiếm, lựa chọn, nỗ lực phấn đấu cho công việc của họ – nhất là những bạn trẻ không còn tư duy “làm Nhà nước cho ổn định” mà làm Nhà nước là để được cống hiến cho cộng đồng, chấp nhận khó khăn, thử thách để trưởng thành và khẳng định giá trị bản thân.