Thời khắc non sông thống nhất, bà Tuyết Mai chạy ra đường, hét lớn: “Chồng tôi hoạt động cách mạng và tôi không phải là vợ bé”. Đó là bí mật mà vợ chồng bà đã phải giấu kín suốt nhiều năm.

Tình yêu chớm nở thời loạn lạc

Bên trong Bảo tàng Biệt động Sài Gòn trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TPHCM), bà Tuyết Mai (tên thật Đặng Thị Thiệp, SN 1944) – “hậu phương” kiên cường của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai – lặng lẽ nhìn di ảnh chồng, lòng trào dâng nhiều cảm xúc.

Mái tóc điểm bạc, đôi tay run run, nhưng ánh mắt bà vẫn ánh lên niềm tự hào, có chút đau xót về ký ức một thời chiến tranh máu lửa.

Bà Tuyết Mai có xuất thân khá đặc biệt. Cha bà là Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Ngãi, mẹ bà bị bắt, còn các anh của bà thì hy sinh. Một mình bà phiêu dạt lên Đà Lạt.

Năm 1965, bà được Trung tướng Trần Quý Hai – người bạn thân của gia đình – đưa vào chiến khu Củ Chi. Và rồi cuộc gặp định mệnh với ông Trần Văn Lai – người chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đang hoạt động trong lòng địch với vỏ bọc nhà thầu khoán tại Dinh Độc Lập – đã làm thay đổi cuộc đời bà.

“Tôi ở Củ Chi, còn ông Lai hoạt động cách mạng, thường xuyên lái ô tô đến nên quen biết nhau. Ông hay mua giúp tôi những món đồ từ thành phố. Tôi còn nhỏ, nhìn người điềm đạm, chững chạc và hiểu biết sâu rộng như ông, cũng đem lòng cảm mến”, bà kể lại ký ức đẹp thời hai người mới quen biết nhau.

Ông Lai hơn bà Mai đến hơn 20 tuổi, người vợ trước của ông (bà Phạm Thị Phan Chính, hay còn được biết đến với cái tên Phạm Thị Chinh) đã hy sinh vì cách mạng. Ở người đàn ông này, bà Mai nhìn thấy lý tưởng, sự kiên định và lòng yêu nước sâu sắc.

Giữa lúc chuẩn bị ra Bắc học tập, bà tự nguyện ở lại, cùng ông thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức: Mua nhà, xây hầm, cất giấu vũ khí ngay giữa lòng thành phố.

Khoảng tháng 5/1966, ông Trần Văn Lai nhận lệnh về thành phố mua nhà, xây hầm chứa vũ khí, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bà Mai khi đó mới 19 tuổi, quyết định sát cánh cùng ông.

Đi đến đâu, ông Lai cũng bảo rằng bà Tuyết Mai là “vợ bé” của ông, cho mọi người khỏi nghi ngờ. Bị nhiều người nhìn với ánh mắt khinh khi vì là “vợ bé”, bà Mai vẫn chấp nhận, chỉ mong kế hoạch cách mạng không bị bại lộ.

“Lần đó, khi từ chiến khu về, ông Lai chở tôi vào nghĩa trang gần sân bay Tân Sơn Nhất để thắp hương cho người vợ quá cố. Ở đó, ông không khỏi xúc động, đọc bài thơ thể hiện ý chí và tâm huyết trước mộ phần của vợ: Sớm muộn Bắc – Nam thề hiệp một/ Đừng hờn đừng tủi nữa nghe Chinh.

Nghe bài thơ, tôi cảm nhận được sự quyết tâm của ông và thêm phần ngưỡng mộ ông. Giây phút đó, tôi muốn ở bên cạnh, cùng người đàn ông này vượt qua những khó khăn, làm hậu phương và cũng là một điểm tựa tinh thần vững chắc cho ông trong những năm tháng gian lao phía trước”, bà Mai bộc bạch.

Và thế là từ đồng đội, họ quen thân, rồi thành bạn đời, từ tình đồng chí tiến đến tình yêu. Đó là cả một hành trình dài, lắm cam go và nhiều cảm xúc…

Chịu tiếng oan “vợ bé” để bảo vệ chồng

Năm 1966, bà Tuyết Mai cùng chồng tập trung thực hiện kế hoạch mua nhà, đào hầm và tập kết vũ khí. Thời điểm đó, bà sinh liền 2 con nhỏ, nhưng vẫn không ngại khuân vác vũ khí và thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

“Tôi chạy lên, chạy xuống, đào hầm, mang vác vũ khí rất sung sức, không biết mệt nhọc. Song, tôi không thể tham gia chiến đấu bởi còn phải lo 2 con nhỏ”, bà Tuyết Mai chia sẻ.

Mỗi khi nhắc đến ông Lai, ánh mắt bà Mai lại lấp lánh, như thể bà không bao giờ thôi ngưỡng mộ người đàn ông đã sát cánh cùng bà qua bao gian khổ. Đối với bà, ông không chỉ là người chồng, mà còn là người chiến sĩ kiên cường, là tấm gương sáng cho bà noi theo.

Gần 60 năm trôi qua, bà Tuyết Mai vẫn nhớ như in đêm mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968. Dưới căn hầm chất vũ khí ọp ẹp tại số nhà 287/70 Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần), các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tụ hội, chuẩn bị cho cuộc tấn công vào cứ điểm quan trọng của quân địch.

Trong trận này, ông Lai nhận nhiệm vụ đưa ô tô chở vũ khí tấn công vào Dinh Độc Lập. Chiều hôm đó, ông dặn bà Tuyết Mai và các con phải học thuộc bài thơ:

Đông – Tiên con hỡi Ngọ – Mùi

Lớn lên con nhớ đáp lời núi sông.

Nội con ở xã Vũ Đông

Vũ Tiên là huyện, tỉnh ta Thái Bình.

Nhớ về nơi chốn ông cha, họ Trần tên Bảo đó là chú con.

Ông Lai căn dặn vợ con phải học thuộc nằm lòng bài thơ này, để lỡ ông có mệnh hệ nào trong trận chiến còn biết đường tìm về quê hương ông, gia đình ông.

Bà Tuyết Mai xúc động khi nhìn lại những bức ảnh cũ của gia đình mình (Ảnh: Cẩm Tiên).

Giây phút nhìn chồng rời khỏi nhà, lòng bà Mai thắt lại, đầu bà thoáng qua suy nghĩ về kết quả của trận đánh. “Tôi nghẹt thở, nghĩ đến việc rất có thể ông ấy sẽ không quay về”, bà nói.

Cả đêm hôm đó, bà Mai thức trắng, đôi mắt không rời khỏi cánh cửa nhà, chỉ mong nghe được tiếng lạch cạch mở khóa – âm thanh báo hiệu chồng còn sống trở về. Thế nhưng, tin dữ lần lượt tới, nhiều chiến sĩ đánh vào Dinh Độc Lập hy sinh tại chỗ.

Giây phút đó, bà Mai nghĩ đến người vợ trước của chồng, mong bà phù hộ cho ông Lai trở về bình an. Xuyên suốt cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, bà Mai gọi vợ trước của chồng bằng “má lớn của tụi nhỏ” – một cách gọi đầy kính trọng.

Ít ngày sau, chủ tiệm tạp hóa gần nhà gọi bà Mai ra nghe điện thoại. Ở đầu dây bên kia, ông Lai hỏi: “Con có ốm không?”. Bà trả lời: “Con không ốm”. Đây là ám hiệu hai người đã giao ước trước, “con không ốm” nghĩa là gia đình vẫn an toàn, cơ sở bí mật của tổ chức chưa bại lộ.

Song, ông Lai đã bị phát hiện, bị truy nã ráo riết. Ông buộc phải sống bí mật ở các cơ sở. Cuối cùng, ông trở về căn nhà trên đường Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận) lẩn trốn. Cứ như thế, ngày này qua tháng nọ, bà Mai sống trong thấp thỏm, luôn phải nhìn trước ngó sau để đảm bảo sự an toàn cho chồng.

Bà Tuyết Mai và các con (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Trong khoảng thời gian đó, bà Mai vừa nuôi con vừa nuôi chồng. Có hôm, giữa đêm, địch đến gõ cửa rầm rầm đòi xét nhà. Bà Mai liền mở nắp hầm cho chồng ẩn náu. Còn bà, tay bế con tay mở cửa, vờ như không có chuyện gì.

“Chồng tôi trốn trong nhà gần 8 năm, còn tôi ra đường rêu rao rằng chiến tranh ác liệt quá nên ông ấy đã bỏ về nhà vợ lớn, không ở đây nữa. Có người còn chửi bới tôi vì tôi là “vợ bé”, giật chồng người ta. Nhưng họ chửi rủa càng nhiều, tôi lại càng an tâm vì như thế nghĩa là không ai nghi ngờ, chồng tôi càng được an toàn”, bà Mai nhớ lại.

Bà Mai nói thời điểm khó khăn đó, nhiều người ghét, nhưng cũng có những người hàng xóm rất thương bà, bởi thấy bà nhỏ tuổi lại một mình chăm con. Mỗi khi đi chợ về, hàng xóm lại mang cho bà rau củ, thực phẩm. Có lúc, bà Mai cần bí mật mang tài liệu tới chiến khu Củ Chi, những người hàng xóm cũng sẵn lòng trông con giúp cho bà.

“Thời điểm đó, tôi vô tư lắm. Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng sống như vậy là khổ cực, nhưng lúc đó tôi biết chỉ cần gia đình an toàn, tổ chức an toàn thì không có gì phải sợ”, bà Mai nói.

Niềm vui ngày đất nước thống nhất

Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, người dân đổ ra đường ăn mừng, bà Mai cũng không giấu được sự xúc động. Sau bao năm mang tiếng oan “vợ bé”, bà đã có thể vui mừng hét lớn: “Chồng tôi hoạt động cách mạng và tôi không phải là vợ bé”.

Những đứa con của bà Mai và ông Lai từng phải mang họ mẹ để che giấu thân phận cha, nay mới được công khai nhận lại họ cha. Đối với bà Mai, đó là sự công nhận không chỉ cho ông Lai, mà còn cho cả những hy sinh thầm lặng của mình và con suốt bao năm.

Hòa bình lập lại, ông Trần Văn Lai tiếp tục hoạt động trong quân đội, còn bà Mai buôn bán mưu sinh, nuôi 6 người con. Bà nói, khi đó bà vẫn còn trẻ, vẫn có thể đi học tiếp để thực hiện ước mơ thời con gái, nhưng bà nghĩ mình đã là mẹ, nếu chỉ nghĩ đến bản thân thì ai lo cơm áo, ai nuôi con ăn học.

“Vậy là tôi gác lại ước mơ, để tụi nhỏ được đến trường, được học hành đàng hoàng, có kiến thức để cống hiến cho xã hội”, bà Tuyết Mai chia sẻ.

Bà Tuyết Mai bồi hồi khi nhớ về giai đoạn khó khăn (Ảnh: Cẩm Tiên).

6 người con của bà Tuyết Mai và ông Trần Văn Lai lần lượt trưởng thành, tốt nghiệp đại học, bước ra đời với hành trang là tình thương và nghị lực mà cha mẹ đã trao. Ai cũng có thành tựu nhất định trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Còn vợ chồng bà Tuyết Mai thì cố gắng làm lụng, mua lại những căn nhà từng là căn cứ bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, rồi biến những địa điểm đó thành bảo tàng, lưu giữ những di tích lịch sử, hình ảnh oai hùng của các chiến sĩ trong giai đoạn chiến tranh ác liệt.

Đến khi ông Trần Văn Lai mất (năm 2002), bà Tuyết Mai cùng con cháu tiếp tục tìm kiếm, lưu giữ những dấu ấn của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tại bảo tàng. Hiện tại, bà Tuyết Mai và các con vẫn thường xuyên tổ chức gặp gỡ cựu chiến sĩ, tái hiện ký ức hào hùng, truyền lại tinh thần bất khuất của thế hệ đi trước cho lớp trẻ hôm nay.

Kể về giai đoạn khó khăn của chiến tranh, bà Tuyết Mai cho biết thời điểm đó bản thân không hề có những suy nghĩ mông lung, chỉ biết hướng tới mục tiêu lớn lao là bảo vệ chồng, bảo vệ đất nước.

Với bà, đó là cả một hành trình sống và hy sinh, không màng danh phận, không sợ tai tiếng, chỉ giữ vẹn nguyên một niềm tin bảo vệ người mình yêu thương, cống hiến cho cách mạng và khát vọng về một ngày đất nước thanh bình.

Xuất hiện trong chương trình Ký ức vui vẻ, ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) – cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – bày tỏ sự khâm phục và kính nể với gia đình ông Trần Văn Lai.

Theo ông Bảy Hôn, quá trình xây dựng và tập kết vũ khí trong thời chiến không phải là chuyện nhỏ, phải kéo dài 5-7 năm trời giữa lòng địch. Thế nhưng, gia đình ông Trần Văn Lai đã không màng nguy hiểm thực hiện.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, bà Chín Nghĩa (tên thật Vũ Minh Nghĩa) – cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – cho biết Biệt động Sài Gòn là một khối tuyệt mật, kín đáo. Các chiến sĩ luôn tập trung làm việc của mình, ít giao thiệp và thậm chí còn không biết tên thật của nhau.

Cũng chính vì thế, thời chiến, bà Chín Nghĩa hiếm khi gặp gỡ bà Tuyết Mai, chỉ đến khi bước vào hầm chứa vũ khí, chuẩn bị cho trận đánh Mậu Thân 1968, bà Nghĩa mới ngỡ ngàng trước những gì mà ông Trần Văn Lai và bà Tuyết Mai đã làm.

“Giây phút tôi bước xuống căn hầm chứa vũ khí trên đường Trần Quý Cáp, tôi thật sự “choáng” trước căn hầm và số lượng vũ khi đồ sộ. Xây dựng được căn hầm đó là cả một quá trình.

Tôi rất khâm phục vợ chồng chú thím (tức ông Trần Văn Lai và bà Tuyết Mai), lại càng kính nể gia đình này, bởi họ không chỉ có sáng kiến giỏi, mà còn không ngại hi sinh cả bản thân và gia đình”, bà Chín Nghĩa cho hay.