Nam kỹ thuật viên xe máy tại TP.HCM bị rắn phun nọc vào mắt khi đang sửa xe cho khách. Người này may mắn thoát nguy sau khi được xử lý kịp thời.

Ngày 10 tháng 7 năm 2025, tạp chí Tri Thức đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Rắn chui ra từ xe máy, phun nọc độc vào mắt kỹ thuật viên ở TP.HCM”. Nội dung như sau:
Kỹ thuật viên của cửa hàng xe máy tại xã Dầu Tiếng (TP.HCM) bị rắn phun nọc vào mắt trong khi đang sửa xe. Ảnh: NVCC.
“Cú sốc sau 14 năm trong nghề!”, chị Thanh Tuyền, nhân viên tại cửa hàng sửa xe máy ở xã Dầu Tiếng (TP.HCM), chia sẻ sau sự cố hy hữu vào sáng 8/7. Một con rắn bất ngờ chui ra từ phần nhựa chiếc xe tay ga đang được bảo dưỡng và phun nọc trúng vào mắt đồng nghiệp của chị.

Trước đó, khách hàng đưa xe đến sửa do té ngã. Khi tháo phần nhựa, các kỹ thuật viên phát hiện một con rắn không rõ loài gì đang nằm bên trong.

“Các anh em trong tiệm lấy cây để đuổi rắn ra nhưng do khoảng cách gần, con vật bất ngờ phun độc trúng vào mắt bạn kỹ thuật viên”, chị Tuyền kể.

Người bị phun nọc lập tức cảm thấy rát và nóng ran ở mắt, vùng mắt đỏ và sưng lên. “Lúc đó tụi mình rất lo, vì có người nói nếu để nặng có thể bị mờ mắt. May mắn là bạn được đưa qua phòng khám xử lý kịp thời, uống thuốc và rửa mắt nên hiện tại sức khỏe đã ổn định, chỉ cần uống thuốc”, chị nói thêm.

Thông tin này nhanh chóng thu hút sự chú ý. Nhiều người bày tỏ sợ hãi và lo lắng: “Gặp mình chắc là ngất xỉu luôn”, “Không biết anh kỹ thuật có sao không”, “Nguy hiểm quá, xe để lâu không kiểm tra là khổ”…

Làm trong ngành xe máy đã 14 năm, chị Tuyền cho biết đây là lần đầu tiên chứng kiến tình huống này.

“Câu chuyện này là lời nhắc nhở cho mọi người. Xe để lâu không kiểm tra, không chỉ dễ hư hỏng mà còn tiềm ẩn rủi ro nguy hiểm. Đặc biệt nếu nhà có trẻ nhỏ thì lại càng nên chú ý hơn”, nữ nhân viên kỹ thuật chia sẻ.

Theo Live Sciene, một số loài rắn hổ mang có thể phun nọc chính xác vào mắt con mồi từ khoảng cách hơn 1,5 m với độ chính xác lên đến 90%. Các nhà khoa học phát hiện rắn có thể nhận diện chuyển động và định hướng phun chỉ trong 0,2 giây, nhanh bằng nửa cái chớp mắt. Nọc rắn nếu bắn trúng mắt sẽ khiến giác mạc tê liệt, gây đau đớn dữ dội và có thể dẫn đến mù lòa nếu không được xử lý kịp thời.

Trước đó, ngày 19 tháng 6 năm 2025, báo VietNamNet cũng đăng tải bài viết có tiêu đề “Rắn cạp nia chui từ điều hoà, bò qua người cắn bé gái nguy kịch”. Nội dung như sau:

Vừa qua, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình) đã tiếp nhận trường hợp bé N.A.N (7 tuổi, trú tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình) nhập viện sau khi bị rắn cạp nia cắn giờ thứ 3.

Theo lời người nhà kể lại, trẻ ngủ một mình trên tầng 2, khoảng 3h sáng cùng ngày một con rắn cạp nia chui ra từ điều hoà rồi bò lên người trẻ. Đến khoảng 7h sáng, thấy trẻ có biểu hiện lạ, gia đình đã lập tức đưa trẻ đi cấp cứu.

Trẻ nhập viện trong tình trạng sụp mí, liệt màn hầu, nói khó, hạn chế há miệng, nôn khan, vùng đùi phải có vết cắn, kèm theo tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh. Gia đình cung cấp hình ảnh con rắn, các bác sĩ đã nhận định đây là một trường hợp ngộ độc do rắn cạp nia cắn.

Bệnh nhân ngay lập tức được xử trí đặt nội khí quản và chuyển ngay đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để điều trị chuyên sâu. ran bo vào deu oa.pngTrẻ được bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tài – Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình – cho biết, đây là một trường hợp ngộ độc rất điển hình do rắn cạp nia cắn. Cạp nia thuộc họ rắn hổ, cho nên hầu hết các trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ bị liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, tích cực với các biện pháp cấp cứu hồi sức, đặc biệt là thở máy.

Theo các chuyên gia, một số loài động vật khác có thể chui vào điều hòa như: Gián, thằn lằn, chuột,… gây chập thiết bị, nghiêm trọng hơn là đe dọa tính mạng con người. Chúng thường chui qua lỗ thông tường từ trong ra ngoài khi thợ lắp đặt không bịt lỗ này, theo đường ống thải hoặc cửa thông gió điều hoà chui ra.

Khi có tiếng động lạ, người dân không nên tự động mở nắp điều hòa, dẫn đến bị rắn cắn và giật điện. Thay vào đó, người dân cần ngắt điện, gọi thợ bảo hành hoặc kỹ thuật viên chuyên nghiệp.

Người tiêu dùng nên bảo dưỡng điều hòa định kỳ 4-5 tháng/lần, vệ sinh dàn nóng, cục lạnh, chặt bớt cây cối rậm rạp xung quanh nhà. Đặc biệt người dân không nên lắp đặt dàn nóng điều hòa quá gần mái nhà, cây xanh. Đồng thời, khi khoan tường đưa dây đồng, ống thoát nước vào dàn điều hòa, người thợ phải kiểm tra lại khe hở tại vị trí đó; dùng tấm chắn mắt lưới nhỏ để bít các lỗ hở nhằm tránh những loài vật như chuột, rắn,… bò vào nhà qua đường này.