Việc đặt tên và xác định thủ phủ tỉnh mới là một trong những nội dung được nêu trong dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.

Tên gọi đặt theo tỉnh nhỏ nhất cả nước

Theo dự kiến, trước ngày 1/5, đề án hợp nhất hai tỉnh sẽ được hoàn thiện để báo cáo Trung ương. Nội dung lấy ý kiến nhân dân gồm tên gọi tỉnh mới và dự kiến địa điểm đặt trụ sở làm việc sau khi hợp nhất.

Dự thảo đề án nêu rõ, việc lựa chọn tên gọi Bắc Ninh cho tỉnh mới là sự kế thừa các giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống.

Tên gọi Bắc Ninh đã được sử dụng từ năm 1831, không chỉ là biểu tượng hành chính mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Đây là vùng đất gắn liền với Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương – biểu tượng của cội nguồn Lạc Việt, nơi từng đặt Kinh đô Luy Lâu – trung tâm chính trị, văn hóa và Phật giáo sớm nhất của đất nước.

Bắc Ninh là nơi khai sinh và lưu giữ Dân ca Quan họ – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận.

Không chỉ vậy, đây còn là vùng đất truyền thống khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều trạng nguyên, tiến sĩ hơn bất kỳ địa phương nào trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

“Vì vậy, việc sử dụng tên gọi Bắc Ninh cho tỉnh mới thể hiện chiều sâu văn hóa – lịch sử, mang ý nghĩa thiêng liêng, cội nguồn và dễ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”, dự thảo đề án nêu rõ.

Bên cạnh yếu tố văn hóa – lịch sử, Bắc Ninh còn xây dựng được một thương hiệu mạnh mẽ trong thời kỳ hiện đại. Tỉnh là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao hàng đầu cả nước, thu hút nhiều tập đoàn toàn cầu như Samsung, Foxconn, Canon, Amkor…

Bắc Ninh cũng đã được quy hoạch là đô thị công nghiệp hiện đại, trung tâm logistics và dịch vụ tài chính quan trọng của miền Bắc. Nếu đổi sang một tên gọi mới, tỉnh sau hợp nhất có thể sẽ mất đi nhiều lợi thế về thương hiệu, đồng thời gây xáo trộn không cần thiết trong quản lý hành chính, pháp lý, giấy tờ doanh nghiệp và chỉ dẫn địa lý.

“Việc giữ tên Bắc Ninh không chỉ dựa trên giá trị văn hóa – lịch sử, mà còn phù hợp với định hướng phát triển vùng và chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia.

Việc thay đổi, lấy tên khác có thể ảnh hưởng đến thương hiệu công nghiệp và môi trường đầu tư. Trong khi đó giữ tên Bắc Ninh giúp bảo đảm tính liên tục của các chính sách, thuận lợi hơn trong quản lý hành chính và phát triển kinh tế”, dự thảo đề án hợp nhất thông tin.

Trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh rộng lớn hơn 

Về lý do lựa chọn tỉnh lỵ tại thành phố Bắc Giang, dự thảo đề án nêu rõ, Bắc Giang đáp ứng các tiêu chí về lịch sử, văn hóa, định hướng phát triển và phù hợp với chủ trương tại Kết luận số 130 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Xét về yếu tố lịch sử và văn hóa, thành phố Bắc Giang có truyền thống lâu đời là trung tâm hành chính – văn hóa của vùng. Đây là nơi giao thoa giữa văn hóa Kinh Bắc (khu vực Bắc Ninh, Việt Yên, Hiệp Hòa) và văn hóa của các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng ở các huyện Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động.

Do đó dự thảo nhấn mạnh, việc đặt trung tâm hành chính tỉnh mới tại thành phố Bắc Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nền văn hóa giao thoa, hòa nhập, không thiên lệch, qua đó góp phần bảo tồn sự đa dạng văn hóa cộng đồng.

Về vị trí địa lý, TP Bắc Giang sau sáp nhập hai tỉnh được đánh giá là trung tâm địa lý của tỉnh mới, thuận lợi cho việc kết nối với các địa phương khác. Từ Bắc Giang, khoảng cách đến các địa phương trong tỉnh dao động 40-70 km; trong khi nếu đặt trung tâm tại TP Bắc Ninh, nhiều khu vực sẽ có khoảng cách lên đến 90km.

Xét về yếu tố chiến lược, Bắc Giang có vị trí quân sự trọng yếu, là “phên dậu” phía Bắc của Thủ đô Hà Nội. Trong lịch sử, nơi đây từng ghi dấu nhiều chiến công như các trận Chi Lăng – Xương Giang, Cần Trạm – Hố Cát, khởi nghĩa Yên Thế…

Việc đặt trung tâm hành chính ở phía Bắc sông Cầu được cho là đảm bảo khoảng cách an toàn, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh cho Thủ đô và cả nước. Đồng thời, vị trí này cũng thuận tiện trong phối hợp với các quân đoàn chủ lực đóng trên địa bàn.

Sau hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích tự nhiên là 4.718,6 km2 (đạt tỷ lệ 94,3% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số hơn 3,6 triệu người (đạt tỷ lệ 258,5% so với tiêu chuẩn) và 99 đơn vị hành chính trực thuộc.