Từ ngày 1/8, sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay, vì vậy, nhiều chức danh sẽ không còn sau khi thực hiện sáp nhập xã.

Mở rộng quy mô, diện tích của xã mới sau sáp nhập

Theo Quyết định 759/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cấp xã sau sắp xếp sẽ tăng diện tích tự nhiên, quy mô dân số, được phân cấp, phân quyền từ cấp tỉnh và mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn.

Trên cơ sở tổng hợp đề án của các địa phương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông tin tại cuộc họp mới đây về số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sau sắp xếp giảm từ 10.035 xã xuống còn hơn 3.320 đơn vị, tương đương giảm 66,91%.

Theo Quyết định của Chính phủ, xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Cùng với đó, xã hình thành sau sắp xếp không thuộc trường hợp nêu trên có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Phường hình thành sau sắp xếp thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số từ 45.000 người trở lên; phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số từ 15.000 người trở lên; các phường còn lại có quy mô dân số từ 21.000 người trở lên; diện tích tự nhiên đạt từ 5,5km2 trở lên.

Nhiều chức danh sẽ không còn từ 1/8

Công văn của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp định hướng kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ ngày 1/8.

Về việc này, Chính phủ giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.

Theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể: Loại I là 14 người; loại II là 12 người; loại III là 10 người.

Như vậy, sẽ kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên cả nước.

Chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định.

Tại Hà Nội, theo Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND thì có 10 chức danh người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn gồm: Văn phòng Đảng ủy cấp xã; Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng Quân sự; Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ;

Phó Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và các phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân); Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn.

Tại TPHCM, Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND quy định các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã bao gồm: Văn phòng Đảng ủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; Thường trực Khối vận; Tuyên giáo; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; Bình đẳng giới – Trẻ em; Công nghệ thông tin; Dân số – Kế hoạch hóa gia đình; Lao động – Thương binh và Xã hội; Phụ trách kinh tế; Thủ quỹ – Văn thư – Lưu trữ cũng là những chức danh của người hoạt động không chuyên trách cấp xã.