Trong báo cáo bổ sung gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất đánh giá lại toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu tại Đồng Nai, không loại trừ khả năng phải hủy thầu, đấu thầu lại.

Bộ Tài chính vừa gửi lãnh đạo Chính phủ báo cáo bổ sung kết quả kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu tại dự án cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai).

Trong báo cáo, Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều vấn đề trong E-HSMT (hồ sơ mời thầu điện tử) và năng lực chuyên môn của Tổ chuyên gia.

Cụ thể, E-HSMT chưa bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về tiêu chí đánh giá phần công việc BIM, có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau của các nhà thầu, gây khó khăn khi đề xuất áp dụng BIM trong E-HSDT. Việc Tổ chuyên gia chỉ căn cứ vào các tiêu chí chung tổng quát để đánh giá đề xuất công việc BIM của các nhà thầu có thể dẫn đến việc đánh giá mang tính chủ quan.

Việc đánh giá máy móc, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, thiết bị chính đưa vào thi công cũng còn nhiều điểm chưa thống nhất.

Đặc biệt, việc Tổ chuyên gia đánh giá E-HSDT (hồ sơ dự thầu điện tử) của hai nhà thầu (CIENCO4 và Liên danh Đại Phong – Vinaconex – Lữ Gia) không đạt mà không yêu cầu các nhà thầu làm rõ là chưa đảm bảo nguyên tắc làm rõ hồ sơ dự thầu.

Những tồn tại, sai sót trong E-HSMT và đánh giá E-HSDT chưa được Tổ chuyên gia phát hiện. Chủ đầu tư cần xem xét, đánh giá năng lực, kinh nghiệm của Tổ chuyên gia cũng như uy tín của tư vấn đấu thầu thông qua kết quả thực hiện hợp đồng.

Từ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu, khắc phục các tồn tại, sai sót đã được chỉ ra; lựa chọn đơn vị tư vấn khác có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá lại (nếu cần thiết).

Đặc biệt, Bộ Tài chính nhắc đến khả năng phải hủy kết quả lựa chọn nhà thầu ban đầu và tổ chức chấm thầu lại.

 

“Sau khi đánh giá lại E-HSDT mà làm thay đổi về nhà thầu được đề nghị trúng thầu hoặc tất cả các nhà thầu tham dự thầu được đánh giá không đáp ứng, người có thẩm quyền thực hiện biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu; xem xét, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có)”, Bộ Tài chính đề xuất.

Nếu trường hợp trên xảy ra, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện các bước hủy thầu để tổ chức đấu thầu lại hoặc phê duyệt lại kết quả lựa chọn nhà thầu.

Trường hợp sau khi đánh giá lại mà không làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư cần nhanh chóng thực hiện hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu.

Bộ Tài chính lưu ý trong mọi trường hợp, nhà thầu trúng thầu được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật, tài chính, chất lượng, tiến độ thực hiện gói thầu; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Về kiến nghị của nhà thầu Sơn Hải (đơn vị bị rớt thầu), Bộ Tài chính đề nghị giải quyết kiến nghị của nhà thầu tuân thủ quy định của pháp luật, khách quan, không để xảy ra tình trạng kiến nghị kéo dài.