Chiều 17-4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đặt câu hỏi, phản ánh, lo lắng với các đại biểu về tình trạng lừa đảo qua mạng, lộ lọt thông tin cá nhân.

1.000 học sinh, sinh viên liên quan vụ TikToker Mr Pips

Mr Pips - Ảnh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – giám đốc Công an Hà Nội – Ảnh: VIẾT THÀNH

Trước những lo lắng, bất an trên của cử tri, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – giám đốc Công an Hà Nội – cho biết tình hình tội phạm sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Theo Thiếu tướng Tùng, loại tội phạm này lợi dụng tính ẩn danh trên không gian mạng, lợi dụng địa bàn ở nước ngoài như Campuchia, Đài Loan, Trung Quốc… nhắm vào những người bị hại ở Việt Nam. Thậm chí có tình trạng các đối tượng ở Việt Nam sang nước ngoài để lừa chính những người Việt Nam trong nước.

Lấy dẫn chứng về loại tội phạm này, vị lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết năm 2024 đã phá 2 vụ án lớn liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Trong đó có vụ án liên quan đến Phó Đức Nam (Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ cầm đầu. Cơ quan công an đã bắt giữ, khởi tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không tố giác tội phạm và rửa tiền với 33 bị can, truy nã quốc tế 5 bị can, thu giữ tài sản lên đến 5.300 tỉ đồng.

Cũng theo Thiếu tướng Tùng, liên quan đến vụ án này, ở Cầu Giấy có đến hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia và “những người này sẽ rơi vào vòng lao lý”, phải xử lý nghiêm bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia.