Trường hợp tổ chức thêm các phòng, ban chuyên môn ở cấp xã, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh số lãnh đạo dự kiến lên tới hơn 1/3 bộ máy, cộng lại sẽ là con số “rất sốt ruột”, vì số lượng lãnh đạo quá nhiều.
Sáng 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Thay mặt Chính phủ trình dự Luật, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, một trong những quan điểm quan trọng trong lần sửa đổi này là phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương.
Việc sửa đổi cũng hướng tới giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính từ Trung ương đến cấp xã; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.
4 nhóm vấn đề trọng tâm
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề.
Một là sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh, thành phố và cấp xã (xã, phường, đặc khu ở hải đảo).
Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.
Hai là sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.
Theo đó, với chính quyền cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành, dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… của địa phương.
Với cấp xã, chính quyền sẽ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cả cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã (mới).
Dự thảo luật cũng quy định cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp xã, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo.
Nội dung thứ ba, dự Luật được bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương.
Trong đó, ở cấp tỉnh cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập tỉnh, thành.
Với cấp xã, dự thảo Luật quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu) theo hướng HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế – Xã hội.
UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.
Nội dung thứ tư, dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.
Nên lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND xã bầu
Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo Luật như: Việc quy định UBND cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình.
Về quy định HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, cơ quan thẩm tra đặt vấn đề có nên quy định hay không, vì Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết 96 của Quốc hội về nội dung này đều đang quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh tại HĐND, UBND cấp xã.
“Trường hợp bổ sung quy định này, đề nghị cơ quan trình cần báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu ý kiến.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục rà soát quy định chuyển tiếp trong dự thảo Luật và các quy định khác có liên quan để có thể bao quát được hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tránh bỏ sót, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng quyền lợi chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị cho phép trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cấp xã sắp tới sau sắp xếp có nhiều loại, như TP Phú Quốc thì thành đặc khu, rồi có xã quy mô lớn hơn cả huyện nên nếu không phân cấp cho phòng trực thuộc và trung tâm hành chính công làm việc cụ thể cũng dẫn đến khó khăn. Do đó, dự thảo nên nghiên cứu quy định “có thể” trong phân cấp để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đề xuất lấy phiếu tín nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ. Ông lập luận sau này chỉ còn chính quyền địa phương 2 cấp, việc HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu “chỉ có tốt”. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho rằng nên quy định về lấy phiếu tín nhiệm ở cấp xã vì không còn tổ chức cấp huyện; hơn nữa cấp xã trực tiếp, sát với dân. Về tổ chức hoạt động thì tùy theo phân loại xã to, nhỏ để có cơ cấu phù hợp.
Cách giảm số lượng lãnh đạo trong bộ máy
Làm rõ nhiều nội dung các thành viên cơ quan thường trực của Quốc hội đề cập, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này được đặt trong bối cảnh lịch sử rất đặc biệt, khi vừa sửa xong nhưng do yêu cầu của cuộc cách mạng tổ chức bộ máy lại cần sửa đổi tiếp.
Theo Bộ trưởng, nội dung cốt lõi của dự án Luật tập trung vào 4 trọng tâm chính.
Trọng tâm thứ nhất là xác lập rành mạch về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên cơ sở chủ trương của cấp có thẩm quyền. Về nội dung này, Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo là Bộ Nội vụ cùng Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã thiết kế rất cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng, rành mạch.
Trọng tâm thứ hai là phân định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thứ ba là tiếp tục phát huy nguyên tắc của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền, đúng với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Trọng tâm thứ tư, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, một vấn đề rất lớn, là tập trung xử lý những vấn đề liên quan đến vận hành, điều chỉnh từ chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp.
Cho biết nội dung này liên quan rất nhiều vấn đề mà các luật chuyên ngành đang quy định, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải có điều khoản chuyển tiếp rất rõ để giải quyết ngay các vấn đề, đáp ứng yêu cầu của chính quyền địa phương 2 cấp, tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền.
Giải thích rõ hơn quy định cụ thể về phân định nhiệm vụ, quyền hạn và phân cấp, phân quyền, ủy quyền, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh quan điểm của cơ quan soạn thảo, đó là với cấp trực tiếp điều hành, phục vụ và giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp, cả lãnh đạo hay công chức chính quyền cấp xã phải trực tiếp thực hiện chứ không phân cấp.
Theo Bộ trưởng, nếu cấp xã còn phân cấp sẽ không đáp ứng yêu cầu, hiệu quả hoạt động điều hành và phục vụ trực tiếp.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND cấp xã bầu, dù Quy định 96 của Bộ Chính trị đã nêu, nhưng theo Bộ trưởng Nội vụ, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của cấp xã mới rất khác nên cần thiết lấy phiếu tín nhiệm nhưng thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Về tổ chức hoạt động của UBND, Bộ trưởng cho biết sẽ làm rõ hơn để minh định thẩm quyền của chủ tịch UBND. Bộ trưởng nhấn mạnh tổ chức hoạt động theo cơ chế tập thể nhưng cần quy định rõ người đứng đầu chính quyền địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm, tránh “cái gì cũng tập thể” sẽ khó giải quyết ngay nhiều vấn đề.
Liên quan quy định tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương cấp xã, Bộ trưởng Nội vụ cho biết khi xây dựng đề án, Bộ Nội vụ không tính theo cách sắp xếp cơ quan chuyên môn mà tính luôn theo vị trí việc làm.
“Bây giờ bình quân mỗi xã có 21 cán bộ công chức và 17 vị trí việc làm, định hướng ban đầu của chúng tôi là điều chỉnh tăng từ 17 lên 23 vị trí việc làm. Thiết kế như vậy để thuận cho việc vận hành, giảm bớt số lượng lãnh đạo”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Người chủ trì việc soạn thảo dự luật phân tích, trường hợp tổ chức thêm các phòng, ban chuyên môn, số lượng lãnh đạo dự kiến chiếm tỷ lệ trên 1/3 cơ cấu cán bộ và nếu cộng lại sẽ “rất sốt ruột” vì số lượng lãnh đạo nhiều quá.
Lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất vận dụng linh hoạt theo hướng giao địa phương căn cứ quy mô phát triển, quy mô dân số và đặc thù để bố trí cơ quan chuyên môn và tương đương.
Còn nếu bố trí theo vị trí việc làm, Bộ trưởng nhấn mạnh phải dựa vào hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, nhưng phải phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để định hình bộ máy.
“Nếu đã làm thì kiêm nhiệm một cách tuyệt đối, ví dụ bí thư kiêm chủ tịch HĐND, phó bí thư kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ, trưởng các ban HĐND kiêm trưởng các tổ chức đảng hoặc tổ chức chính trị xã hội…”, Bộ trưởng Trà một lần nữa nhấn mạnh, khi thiết kế tổ chức bộ máy, các chức danh lãnh đạo cơ bản kiêm nhiệm để giảm bớt số lượng, và cũng không nhất thiết bố trí cấp phó của cơ quan chuyên môn.
“Bộ máy nhiều lãnh đạo quá rất khó đáp ứng mục tiêu khẩn trương, cấp bách phục vụ người dân một cách hiệu quả và tốt nhất”, Bộ trưởng giải thích.
Về xử lý vấn đề có liên quan, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật cho biết, khi rà soát có 170/187 luật liên quan đang quy định thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp huyện buộc phải chuyển xuống cho cấp xã nên cần có nghị định hướng dẫn sớm, để khi Quốc hội thông qua luật, các nghị định này cũng sẽ chạy song song, giúp bộ máy vận hành thông suốt.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi gồm 7 chương, 54 điều, nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc sau kỳ nghỉ lễ 30/4) sẽ có hiệu lực từ 1/7.
News
Giá vàng sáng nay 29/4: Vàng miếng, vàng nhẫn rủ nhau quay đ;ầ;u r;ơ;i tự do
Giá vàng trong nước lúc 17h ngày 28/4/2025, giá vàng tại sàn giao dịch của một số công ty kinh doanh…
Lưu ý ngay: 12 trường hợp BHYT không chi trả từ 1/7/2025 – Ai cũng cần nắm rõ
Theo đó, từ ngày 1/7/2025, có 12 trường hợp không được BHYT chi trả dù đi đúng tuyến. 12 trường…
Giá vàng tối nay 28/4: Thôi không xong rồi, cả vàng nhẫn vàng miếng đều ph;ản b;ội nhà đầu tư thế này thì hỏng
Giá vàng hôm nay chiều 27/4 ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở cả vàng miếng và vàng nhẫn tại…
9 cập nhật mới trên VNeID khiến dân mạng xôn xao – Người không nắm rõ sẽ chịu thiệt thòi nặng
Dưới đây là những thay đổi mới nhất trên VNeID, người dân cần chú ý. Ứng dụng VNeID là gì?…
Sau kỳ nghỉ lễ: Quy định mới “áp thẳng” vào người đi xe máy – Triệu người lo sốt vó rồi
Luật Trật tự và an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đã quy định việc…
Số phận của cán bộ xã khi xóa bỏ biên chế suốt đời, thế này thì cứ yên tâm công tác chứ cần gì phải sốt vó lên
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi bỏ quy định thi nâng ngạch, thay bằng việc bổ nhiệm…
End of content
No more pages to load