Sống với vợ chồng con trai, tôi thấy mình như lạc vào một thế giới khác. Rồi một ngày, tôi trở về quê với ruộng vườn, với ký ức về người chồng đã khuất…

Tôi tên là Lý, năm nay 56 tuổi, quê ở một vùng quê nghèo ven sông. Chồng tôi mất sớm khi con trai mới lên 8 tuổi. Từ ngày ấy, tôi vừa làm ruộng, vừa đi làm thuê, tằn tiện từng đồng nuôi con ăn học. Con trai là niềm tự hào lớn nhất đời tôi. Nó học giỏi, đỗ đại học rồi ở lại thành phố làm việc, lập gia đình với một cô gái thành phố.

Ngày con trai báo tin đám cưới, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì con đã trưởng thành, lo vì sợ mình quê mùa và không môn đăng hộ đối với với nhà thông gia. Đám cưới tổ chức ở thành phố, tôi thực sự lóng ngóng nhưng vẫn cố tỏ ra tự tin để con trai đỡ ngại.

Sau cưới, con trai và con dâu tôi sống ở thành phố. Tôi ở quê, thỉnh thoảng gửi các thực phẩm lên cho con. Mỗi lần gọi điện, tôi chỉ dặn dò: “Các con cố gắng sống hòa thuận, thương yêu nhau là mẹ mừng rồi“. Con trai bảo: “Mẹ lên đây ở với vợ chồng con cho vui, nhà rộng mà. Mặt khác, con cũng tiện chăm sóc mẹ hơn”. Nhưng tôi ngần ngại, sợ làm phiền con. Hơn nữa, bao năm nay tôi quen với cuộc sống ở quê rồi.

Thời gian trước, tôi bị ốm liên tục vì bệnh người già. Hôm nay đau chỗ này mai đau chỗ kia. Con trai phải liên tục về, đưa đi viện khám chữa bệnh. Vì công việc của con bận, phải nghỉ phép nhiều không tiện nên con trai đề nghị tôi lên ở chung. Nghĩ thương con và nghĩ đến bản thân mình già cả phải nương tựa con, tôi gật đầu đồng ý.

Những ngày đầu, tôi thấy mình như lạc vào một thế giới khác. Nhà cửa sạch sẽ, đồ đạc hiện đại, cái gì cũng phải dùng máy móc. Tôi quen tay làm việc, thấy con dâu đi làm về mệt, tôi xắn tay vào bếp, dọn dẹp, giặt giũ. Nhưng có lần, tôi giặt quần áo bằng tay, con dâu nhìn thấy bảo: “Mẹ cứ để con, quần áo để máy giặt cho tiện, mẹ đừng vất vả. Giặt xong rồi sấy luôn”. Tôi cười, bảo: “Ở quê mẹ quen rồi, làm cho đỡ nhớ nhà”.

Nhưng rồi, những khác biệt nhỏ dần thành mâu thuẫn lớn. Tôi thích nấu ăn theo kiểu quê, nhiều rau, ít dầu mỡ, con dâu lại thích ăn đồ Tây, salad, thịt nướng. Ngày nào tôi cũng dậy sớm, quét nhà, con dâu cuối tuần thì ngủ muộn. Có lần, tôi dậy sớm nấu cháo, con dâu xuống bếp, mặt mũi mệt mỏi: “Mẹ ơi, con xin mẹ, sáng mai mẹ đừng nấu sớm quá, con còn muốn ngủ thêm”. Tôi im lặng, chỉ biết gật đầu, lòng buồn rười rượi.

Một lần, tôi gọi điện về quê, kể với chị gái: “Ở đây cái gì cũng lạ, con dâu nó không thích mình làm gì cả, mình làm gì nó cũng có vẻ không thích”. Chị tôi an ủi: “Thế hệ trẻ bây giờ khác rồi, người già như chúng ta khó hòa nhập lắm. Em xác định ở với chúng nó thì phải bỏ qua tất cả”. Nghe lời chị gái nhưng tôi biết, trong lòng mình có một nỗi tủi thân không nói thành lời.

Đỉnh điểm là hôm đó, tôi lỡ tay làm vỡ cái bình hoa cũ của con dâu. Nó không nói gì, chỉ lặng lẽ gom mảnh vỡ, rồi vào phòng đóng cửa. Đêm ấy, tôi nghe tiếng con dâu khóc, con trai tôi thì dỗ dành: “Em thông cảm cho mẹ, mẹ ở quê lên, chưa quen”. Con dâu tôi đáp lại: “Em biết, nhưng em mệt mỏi quá, em không chịu nổi cảnh sống chung như thế này”. Lên thành phố sống với con trai không phải làm việc nhà nhưng chỉ vì chiếc bình hoa cũ tôi tức tốc về quê Tôi nằm ngoài phòng khách, nước mắt rưng rưng. Cả đêm đó, tôi không ngủ được. Sáng sớm tôi lặng lẽ thu dọn đồ đạc. Con trai tôi thấy vậy, vội hỏi: “Mẹ đi đâu?”, tôi cười, giấu nước mắt: “Mẹ nhớ quê quá, mẹ về quê ít bữa cho khuây khỏa. Con chở mẹ ra xe nhé”.

Lúc tôi ra xe về, con dâu vẫn còn chưa dậy.

Tôi về quê, lòng nhẹ nhõm. Tôi không giận con dâu nhưng đúng là để sống hòa hợp thực sự khó khăn với người mẹ chồng như tôi. Tôi về quê với ruộng vườn, với ký ức về người chồng đã khuất, tôi thấy bình yên hơn.