Đây là tình huống không ít tài xế ô tô gặp phải khi xảy ra va chạm với người đi xe máy.

Tình huống diễn ra vào ngày 15/5 trên đường Tuyên Quang, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Theo hình ảnh do camera giám sát của một nhà bên đường ghi lại, người đàn ông đi xe máy dừng sát lề và ngoái lại phía sau có vẻ như đã quan sát khá kỹ. Tuy nhiên, ngay khi xe máy cua ngang để sang đường thì một chiếc Rolls-Royce đi tới nên đã xảy ra va chạm.

Va chạm có vẻ không quá nghiêm trọng, nhưng người đàn ông đã lập tức điều khiển xe máy bỏ đi luôn trước sự ngỡ ngàng của tài xế ô tô.

“Cũng có người này người kia, nhưng phải thừa nhận là nhiều người đi xe máy “hồn nhiên” thật, va chạm với ô tô xong mặc nhiên xác định là va chạm nhẹ, sửa hết không đáng bao nhiêu, xe ô tô có bảo hiểm rồi…, mà quên mất việc mình là người gây va chạm thì phải có trách nhiệm, còn chủ ô tô có bắt đền không lại là chuyện khác”, tài khoản Quang Đức bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.

Nick có tên Linh Anh cũng có ý kiến tương tự trong một nhóm về giao thông: “Ôi giống hệt trường hợp em từng gặp. Đúng là va chạm không quá nặng, ô tô của em thì không phải xe đắt tiền, khắc phục vết xước sơn nếu có bảo hiểm thì không tốn mấy, còn nếu không có bảo hiểm thì cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng.

Em cũng không định bắt đền gì người đi xe máy. Đó là ý tốt của mình, nhưng thấy họ cứ thế bỏ đi luôn không một lời xin lỗi, chứ chưa nói tới việc có thiện chí bồi thường, thì em cũng thấy ấm ức, bực mình”.

Việc dừng lại để giải quyết va chạm không chỉ là vấn đề văn hóa giao thông, mà được quy định cụ thể trong luật. Cụ thể, Điều 80 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ phải:

– Dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, trợ giúp người bị nạn và báo tin cho cơ quan công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc UBND nơi gần nhất;

– Ở lại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan công an, UBND nơi gần nhất;

– Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ và thông tin liên quan của vụ tai nạn giao thông đường bộ cho cơ quan có thẩm quyền.

Về mức phạt, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển xe máy có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng.

Trong khi đó, việc bồi thường thiệt hại do va chạm giao thông sẽ do hai bên tự thương lượng với nhau, hoặc do cơ quan chức năng xác định.