Nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Đắk Lắk không giải quyết cho nghỉ thôi việc đối với những trường hợp có năng lực nổi trội, đáp ứng yêu cầu công việc.

Nhóm cán bộ công chức không được nhiều tỉnh thành giải quyết cho nghỉ thôi việcHà Nội, Đắk Lắk không giải quyết nghỉ thôi việc với các trường hợp có năng lực nổi trội. Ảnh: Hải Nguyễn
Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2025/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trong 5 đối tượng được nhận tiền nghỉ thôi việc theo Nghị định 178, có đối tượng CBCCVC lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nguyện vọng nghỉ thôi việc để tạo điều kiện thuận lợi trong việc sắp xếp số lượng CBCCVC lãnh đạo, quản lý theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Bộ Nội vụ sau đó có Công văn 1814/BNV-TCBC năm 2025 hướng dẫn đánh giá, rà soát với trường hợp có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc là CBCCVC.

Theo đó, đối với trường hợp CBCCVC có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc cũng phải thực hiện đánh giá và rà soát theo tiêu chí để xác định đối tượng nghỉ theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP.

Điều 6 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định tiêu chí đánh giá CBCCVC và người lao động để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và giải quyết chính sách, chế độ.

Dựa trên hướng dẫn trên, tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá đối với tất cả CBCCVC và người lao động thuộc phạm vi quản lý dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 03 năm gần nhất theo các tiêu chí như: Phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm; Tiêu chí đánh giá về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; Tiêu chí đánh giá về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ, công chức viên chức và người lao động đã đạt được.

Căn cứ theo các quy định và hướng dẫn trên, nhiều địa phương thời gian gần đây đã ban hành các chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chính sách, chế độ liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ.

Đáng chú ý tại tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình sắp xếp bộ máy, UBND tỉnh yêu cầu nếu có cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu hoặc thôi việc, các cơ quan cần rà soát kỹ lưỡng để xác định đúng đối tượng, không giải quyết cho nghỉ thôi việc đối với những trường hợp có năng lực nổi trội, đáp ứng yêu cầu công việc.

Theo đó về hồ sơ, thủ tục đề nghị UBND tỉnh phê duyệt danh sách hưởng chính sách, ngoài danh mục hồ sơ theo quy định cũng cần phải có báo cáo kết quả đánh giá, rà soát theo tiêu chí quy định của từng cá nhân.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trong việc đánh giá, rà soát theo tiêu chí xác định đối tượng nghỉ theo quy định để đề nghị UBND tỉnh phê duyệt danh sách nghỉ hưu, thôi việc và thực hiện tốt việc quản lý hồ sơ thực hiện chính sách, chế độ để phục vụ công tác kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền sau này.

UBND TP Hà Nội trước đó cũng có Hướng dẫn số 01 trong đó không xem xét, giải quyết đối với các trường hợp có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc nhưng được đánh giá có phẩm chất, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có thành tích tiêu biểu, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.