Giá vàng thế giới tiếp tục xu hướng lao dốc, mất hơn 70 USD so với phiên trước vào rạng sáng 9/5 (giờ Việt Nam), sau khi ông Trump công bố đạt thỏa thuận thương mại với Anh.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm và mất hơn 1% vào ngày 8/5. Ảnh: Reuters.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm và mất hơn 1% vào ngày 8/5. Ảnh: Reuters.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/5, giá vàng giao ngay giảm mạnh 1,7% xuống còn 3.308 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 6 lao dốc 2,5% xuống 3.306 USD/ounce. Đà giảm này đánh dấu mức giảm sâu nhất trong gần một tháng trở lại đây.

Tuy nhiên, trong phiên sáng ngày 9/5, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện khi nhà đầu tư tranh thủ gom hàng ở vùng giá thấp. Theo cập nhật từ Kitco vào lúc 8h (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 3.313 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn tháng 6 nhích 0,5% lên 3.321 USD/ounce.

Giá vàng thế giới trong phiên ngày 8/5 (giờ Mỹ). Ảnh: Kitco.

gia vang the gioi anh 1

gia vang the gioi anh 1

Giá vàng thế giới trong phiên ngày 8/5 (giờ Mỹ). Ảnh: Kitco.

Nguyên nhân chính khiến vàng mất giá trong phiên 8/5 là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố một thỏa thuận thương mại song phương vừa đạt được với Anh – đối tác đầu tiên ký kết thành công kể từ khi Mỹ áp đặt hàng loạt thuế quan lên các nền kinh tế lớn.

Theo nội dung thỏa thuận do ông Trump hé lộ, Mỹ sẽ duy trì mức thuế “cơ bản” 10% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Anh. Đáng chú ý, Mỹ giảm thuế nhập khẩu ôtô từ mức 27,5% xuống còn 10% cho 100.000 chiếc đầu tiên mỗi năm và miễn toàn bộ thuế 25% với thép nhập khẩu từ Anh.

Giới phân tích cho rằng động thái này có thể mở ra tiền lệ cho hàng loạt thỏa thuận thương mại khác giữa Mỹ với các quốc gia đồng minh. Điều này làm giảm nhu cầu nắm giữ vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại chiến tranh thương mại hạ nhiệt, theo Reuters.

Chiến lược gia thị trường Bob Haberkorn của RJO Futures nhận định: Nếu Mỹ và Trung Quốc cũng đạt được một thỏa thuận tương tự trong thời gian tới, giá vàng hoàn toàn có thể điều chỉnh về mốc 3.200 USD/ounce”.

Được biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cùng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer dự kiến gặp phái đoàn Trung Quốc tại Thụy Sĩ vào ngày 10/5 tới. Đây được xem là cuộc đối thoại mang tính bước ngoặt trong tiến trình thương lượng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, một yếu tố có thể giúp giá vàng giữ được ổn định là động thái mới từ phía Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã phê duyệt cho các ngân hàng thương mại mua ngoại tệ để thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu vàng theo hạn ngạch mới được nới rộng.

Theo chuyên gia phân tích Han Tan của Exinity Group, biện pháp này “nhiều khả năng sẽ thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất từ Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – qua đó củng cố đà tăng của giá vàng giao ngay trong trung và dài hạn”.

Tuy nhiên, chuyên gia Zain Vawda của OANDA lưu ý rằng trong ngắn hạn, thị trường vàng vẫn sẽ bị chi phối chủ yếu bởi các biến động xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ và khả năng hạ nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu.

Cùng với vàng, các kim loại quý khác cũng ghi nhận biến động mạnh. Giá bạc giao ngay giảm về 32,48 USD/ounce, trong khi platinum tăng 0,8% lên 981,6 USD/ounce và palladium tăng nhẹ 0,3% lên 974,81 USD/ounce.