Tôi từng nghĩ chăm cháu là cơ hội để gần gũi gia đình con hơn nhưng chỉ sau nửa năm tôi quyết định trở về quê.

Tôi năm nay 58 tuổi, là bà mẹ của 2 cô con gái đã lập gia đình. Tôi có cửa hàng nhỏ kinh doanh ở quê. Con gái út của tôi sinh cháu trai đầu lòng vào đầu năm nay. Khi thấy con gái phải loay hoay giữa việc chăm sóc con nhỏ và công việc, tôi không nỡ đứng ngoài nhìn. Vậy là tôi thu xếp mọi việc ở quê, giao cửa hàng lại cho người cháu họ rồi lên thành phố để hỗ trợ con.

Thời gian đầu đến nhà, con rể đối xử rất lễ phép. Tôi nghĩ cuộc sống ở đây chắc sẽ dễ chịu. Con rể còn nói với tôi: “Mẹ cứ coi như ở nhà mình. Mỗi tháng con gửi mẹ 5 triệu gọi là phụ giúp sinh hoạt.” Tôi hơi ngại ngần nhưng cũng đồng ý vì nghĩ rằng đó là tấm lòng của con cái. Tôi cũng thầm nhủ, số tiền này sau khi về quê tôi sẽ cho lại cháu trai.

Những ngày đầu, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Tôi chăm cháu, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, các con thì đi làm. Nhưng dần dần, tôi nhận ra mình không chỉ làm mẹ, mà còn trở thành một người giúp việc không chính thức trong chính ngôi nhà của con gái. Từ việc giặt giũ, quét dọn, nấu ba bữa ăn mỗi ngày, đến việc thức đêm chăm cháu khi cháu khóc, mọi việc như đổ dồn lên vai tôi.

Con rể thì vẫn gửi tiền hàng tháng đúng hẹn nhưng ít khi để ý đến tôi. Có lần tôi tình cờ nghe được con nói chuyện điện thoại: “Tao trả cho bà ngoại 5 triệu. Thế thôi mày, thời buổi khó khăn lương giúp việc theo ngày cũng chỉ thế”. Câu nói ấy khiến tôi sững sờ. Tôi không phải trông cháu vì tiền, nhưng cách con rể nhìn nhận công sức của tôi như một giao dịch và xem tôi như giúp việc khiến tôi thấy tổn thương. Đến nhà con gái chăm cháu ngoại con rể đưa 5 triệu mỗi tháng sau nửa năm tôi quyết định về quêẢnh minh họa.
Con gái tôi quen với việc có mẹ bên cạnh. Con không còn lo lắng nhiều về việc nhà, đôi khi về muộn mà không hề báo trước. Tôi hiểu con bận rộn với công việc, nhưng sự vô tâm ấy khiến tôi cảm thấy mình đang bị xem thường. Tôi bắt đầu nhớ quê, nhớ những ngày sống yên bình, tự do làm những điều mình thích mà không bị ràng buộc. Càng ngày tôi càng nhận ra khoảng cách giữa mình và gia đình con gái. Những lúc tôi mệt mỏi muốn nghỉ ngơi con lại nghĩ rằng tôi “không có việc gì khác để làm”.

Ở với con được nửa năm thì tôi quyết định trở về quê. Khi tôi thông báo, con gái bất ngờ và có chút không hài lòng. Con bảo: “Mẹ ở thêm vài tháng nữa đi, nhà còn cần mẹ.” Nhưng lần này, tôi kiên quyết. Tôi nói với con: “Mẹ giúp con là vì mẹ thương con, thương cháu. Nhưng mẹ cũng cần sống cho bản thân. Mẹ không muốn trở thành gánh nặng cảm xúc cho con hay biến tình yêu thương thành trách nhiệm bắt buộc”.

Con gái có vẻ giận, nhưng tôi tin rằng thời gian sẽ giúp con hiểu quyết định của tôi. Con rể thì tỏ ra bình thường, như thể tôi chỉ là một “người giúp việc” rời đi sau khi hoàn thành hợp đồng. Tôi không trách chúng, nhưng chính sự hy sinh đôi khi lại khiến họ quên mất rằng tôi cũng cần được tôn trọng, cần được thấu hiểu. Con không thấy rằng phía sau những việc làm không tên ấy là một người phụ nữ lớn tuổi cũng có lúc mệt, có lúc cần nghỉ ngơi.

Tôi chỉ hy vọng khi con gái đối diện với những thách thức trong cuộc sống, con sẽ nhớ đến những gì tôi đã trải qua và hiểu rằng tình yêu thương không bao giờ là nghĩa vụ. Đó là sự tự nguyện nó chỉ thực sự ý nghĩa khi được đáp lại bằng sự thấu hiểu và lòng biết ơn.

Trở về quê, tôi cảm thấy như trút được một gánh nặng. Tôi lại chăm sóc khu vườn nhỏ, bán hàng, trò chuyện với hàng xóm và tham gia các hoạt động cộng đồng. Cuộc sống không dư dả nhưng bình yên và đúng với mong muốn của tôi.

Giờ đây tôi đã tìm lại được cuộc sống của riêng mình. Mỗi lần nhớ cháu, tôi chỉ cần gọi video nhìn nụ cười của cháu là thấy lòng mình ấm áp. Tôi không hối tiếc vì quyết định về quê, bởi tôi tin rằng yêu thương cũng cần khoảng cách để thấu hiểu và trân trọng hơn.