Ít ai biết rằng, nhiều loại rau quen thuộc như măng, mộc nhĩ, đậu cô ve… nếu không sơ chế đúng cách có thể tiềm ẩn độc tố, gây tổn thương nghiêm trọng đến thận và sức khỏe. Bài viết dưới đây chỉ ra 5 loại rau cần đặc biệt chú ý và cách xử lý an toàn trước khi đưa lên bàn ăn.

Một người đàn ông họ Lý ở thành phố Ninh Ba, Trung Quốc vốn mắc bệnh thận mạn tính, mới đây đã suýt mất mạng sau khi ăn một đĩa rau chân vịt xào tỏi chưa qua xử lý. Nguyên nhân là do món ăn này kích phát tình trạng bệnh thận do oxalat, khiến ông rơi vào tình trạng nguy kịch.

Trường hợp này là lời cảnh báo cho nhiều người: không phải loại rau nào cũng có thể ăn ngay mà không sơ chế kỹ. Đặc biệt, có 5 loại rau tuy quen thuộc nhưng nếu không xử lý đúng cách, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến thận, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.

1. Rau chân vịt (cải bó xôi)

Rau chân vịt có vị hơi chát là do chứa hàm lượng oxalat cao – chất này dễ kết tủa với canxi tạo sỏi thận hoặc gây hại thận nếu tích lũy lâu dài. Vì vậy, rau chân vịt trước khi ăn nên được chần qua nước sôi khoảng 1 phút để loại bỏ phần lớn oxalat. Sau đó có thể dùng để làm salad, nấu canh hoặc xào, vừa ngon lại an toàn hơn.

loại rau phải chần trước khi ăn, rau gây hại thận

Rau xanh luôn được xem là thực phẩm lành mạnh, nhưng nếu chế biến sai cách, chúng có thể trở thành mối đe dọa cho sức khỏe, đặc biệt là với thận, cơ quan vốn rất nhạy cảm và khó phục hồi khi bị tổn thương

2. Mộc nhĩ (nấm tai mèo)

Mộc nhĩ khô sau khi ngâm nở nên được chần sơ bằng nước nóng. Việc này không chỉ giúp tăng khả năng hấp thu dưỡng chất như chất xơ và polysaccharide trong mộc nhĩ, mà còn loại bỏ mùi hôi và tạp chất. Riêng mộc nhĩ tươi lại chứa chất độc porphyrin – một hợp chất dễ gây nhạy cảm ánh sáng và ngộ độc. Do đó, phải ngâm lâu hoặc chần nóng để làm giảm độc tính trước khi sử dụng.

3. Măng

Măng tươi chứa oxalat ảnh hưởng đến khả năng hấp thu canxi, đồng thời còn có glycosid cyanogenic – một loại độc tố có thể gây ngộ độc nếu không được xử lý đúng cách. Trước khi ăn, măng cần được thái nhỏ, luộc kỹ trong nước sôi 5-10 phút để loại bỏ phần lớn độc tố, sau đó vớt ra để ráo.

loại rau phải chần trước khi ăn, rau gây hại thận

4. Rau chùm ngây

Loại rau này giàu dinh dưỡng nhưng lại có hàm lượng nitrit cao – đây là tiền chất của nitrosamine, một chất có thể gây ung thư. Hàm lượng nitrit càng cao nếu rau để lâu sau khi thu hoạch. Vì vậy, rau chùm ngây nên được ăn ngay sau khi hái và nên chần sơ nước sôi để loại bỏ phần lớn nitrit trước khi chế biến.

5. Các loại đậu chưa chín kỹ như đậu cô ve, đậu tây, đậu ván

Các loại đậu này nếu ăn sống hoặc chưa nấu kỹ có thể gây ngộ độc do chứa saponin và phytohemagglutinin. Đây là hai loại độc tố có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu, thậm chí rối loạn nhịp tim. Các chất này tan trong nước và bị phân hủy ở nhiệt độ cao, do đó cần chần sơ trước rồi nấu chín kỹ, đảo đều khi xào để đảm bảo an toàn.

loại rau phải chần trước khi ăn, rau gây hại thận

Lời khuyên từ chuyên gia

Rau xanh là nguồn dinh dưỡng quý giá, nhưng nếu không sơ chế đúng cách, chúng có thể trở thành “sát thủ thầm lặng” đối với thận – cơ quan quan trọng có chức năng lọc độc, cân bằng nước và điện giải trong cơ thể. Một khi thận bị tổn thương, cấu trúc của nó gần như không thể tái sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.

Vì thế, mỗi người cần nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, chú ý đến cách chế biến rau củ để không vì một món ăn mà phải đánh đổi cả sức khỏe về sau.