Theo nguồn tin của VietNamNet, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam đã được hoàn thiện song hành cùng với dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn này, hiện đang lấy ý kiến các bộ ngành.

Bổ sung Mức 5 về giới hạn ô nhiễm trong khí thải ô tô

Dự thảo Quy chuẩn quy định giới hạn tối đa cho phép của 3 thông số ô nhiễm gồm Cacbon Monoxit (CO), Hydrocacbon (HC) đối với khí thải động cơ cháy cưỡng bức (xe chạy xăng) và độ khói N của khí thải động cơ cháy do nén (xe chạy dầu diesel).

Theo đó, đối với ô tô chạy xăng phổ thông (động cơ 4 kỳ), Mức 1 cho phép nồng độ CO là 4,5%, HC tối đa 1200ppm; Mức 2 cho phép nồng độ CO là 3,5%, HC là 800ppm; Mức 3 giới hạn CO là 3%, HC là 600ppm; Mức 4 giới hạn CO là 0,3-0,5%, HC là 200-300ppm; Mức 5 giới hạn CO là 0,2-0,3% và HC là 100-150ppm.

Đối với ô tô chạy xăng động cơ 2 kỳ, nồng độ HC chỉ áp dụng giới hạn 7800ppm cho cả 5 mức. Đây là các loại ô tô đời sâu, chủ yếu là xe cổ có nguồn gốc từ các nước Đông Đức.

Đối với xe chạy dầu, độ khói N cho phép Mức 1 là 72% HSU, Mức 2 là 60% HSU, Mức 3 là 50% HSU, Mức 4 là 45% HSU và Mức 5 là 35% HSU.

Các thông số trên được kế thừa từ Tiêu chuẩn quốc gia về giới hạn khí thải ô tô đã ban hành năm 2018 (TCVN 6438:2018), chỉ bổ sung thêm quy định Mức 5. Quy chuan o to 2.jpgNguồn: Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Sau 30 năm phát triển ngành công nghiệp ô tô, đây là lần đầu tiên Việt Nam soạn thảo để ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành. Tính chất pháp lý sẽ cao hơn so với Tiêu chuẩn quốc gia về khí thải ô tô hiện hành. Quy chuẩn này sẽ là bước quan trọng trong việc thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải theo Quyết định 876 của Thủ tướng ban hành năm 2022 (Quyết định khai tử động cơ đốt trong).

Hiện nay, Chính phủ mới công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành để lấy ý kiến toàn dân. Bộ Nông nghiệp và Môi trường vẫn đang lấy ý kiên các bộ ngành cho dự thảo Quy chuẩn để hoàn thiện trình Chính phủ sắp tới.

Như VietNamNet đã đưa tin, lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải sẽ siết chặt hơn, thực hiện ở mức cao hơn và sớm hơn đối với xe ô tô biển số Hà Nội và TP.HCM. Đây là hai thành phố có nồng độ bụi mịn PM2.5 thường xuyên vượt ngưỡng khuyến nghị của WHO.

Trong đó, trên toàn quốc, ô tô sản xuất năm 1999 trở về trước áp dụng Mức 1; ô tô sản xuất từ năm 1999-2016 áp dụng Mức 2.

Ngoại trừ Hà Nội và TPHCM, ô tô sản xuất từ năm 2017 áp dụng Mức 3 kể từ năm 2026; ô tô sản xuất năm 2022 áp dụng Mức 4 từ năm 2026, áp dụng Mức 5 từ năm 2028.

Riêng với xe biển số Hà Nội và TPHCM, lộ trình cho xe sản xuất từ năm 2017 áp dụng cao hơn, phải đạt Mức 4 từ năm 2026 và xe sản xuất từ năm 2022 áp dụng Mức 5 sớm hơn, từ năm 2027.

Mức kiểm soát khí thải ở Việt Nam dễ tính hơn tiêu chuẩn khí thải Euro 

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường lưu ý, các mức quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải ô tô cho ô tô đang tham gia giao thông ở Việt Nam khác với tiêu chuẩn khí thải Euro do Liên minh châu Âu quy định, áp dụng cho xe mới. W-xe kiem tra khi thai 2.jpgViệc kiểm tra khí thải ô tô đang lưu hành ở Việt Nam hiện mới chỉ áp dụng Mức 2 TCVN 6438:2018. Ảnh: Băng Dương
Hiện nay, ô tô ở Việt Nam sản xuất mới từ năm 2017 đã tuân thủ tiêu chuẩn khí thải Mức 4 (Euro 4) và sản xuất mới từ năm 2022 đạt Mức 5 (Euro 5) theo Quyết định số 49/2011 và Quyết định 19/2024 của Thủ tướng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn khí thải cao nhất áp dụng cho ô tô đang tham gia giao thông chỉ là Mức 2 theo TCVN 6438:2018 (xe sản xuất từ năm 2008), thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn áp dụng ở các nước trong khu vực như Thái Lan (Euro 4), Singapore (Euro 5-6). Các Mức 3, Mức 4 tuy đã ban hành trong TCVN 6438:2018 nhưng chưa được áp dụng cho xe lưu hành trong thực tế.

Cùng có tên gọi là Mức 1-5, nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn ở Việt Nam có phần “dễ tính” hơn nhiều về phương pháp đo, chỉ số đo so với tiêu chuẩn khí thải Euro của châu Âu. Ví dụ, Việt Nam không áp dụng đo khí thải khi chạy thực tế, việc kiểm định thực hiện trong điều kiện không tải và tính tỷ lệ % chất gây ô nhiễm trong thể tích khí xả trong khi tiêu chuẩn Euro đo lượng chất gây ô nhiễm phát thải ra trên quãng đường lái… Do đó, số liệu đo sẽ không thể phản ánh chính xác mức độ xả thải ra môi trường của xe. Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 ở Việt Nam cho xe mới áp dụng chậm sau 13 năm so với EU.

Mặc dù đi sau các nước nhưng dự thảo Quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam chỉ quy định 5 mức trong khi tại châu Âu đã phát triển 7 mức.  Từ năm 2014, châu Âu đã áp dụng đến Mức 6 (Euro 6), siết mạnh nồng độ NOx và PM và sẽ áp dụng Mức 7 (Euro 7) từ năm 2027, kiểm soát toàn diện hơn, bao gồm cả khí xả, bụi phanh, lốp, áp dụng cho cả xe xăng, diesel, hybrid và xe điện.

Một chuyên gia của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, các loại xe mua mới động cơ đạt tiêu chuẩn Euro 4-5 nếu không được chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên thì khi đi đăng kiểm, vẫn có thể chỉ đạt tiêu chuẩn khí thải Mức 1-2.

Trước đây, khi bắt đầu thực hiện Quyết định số 16/2019 về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho xe đang tham gia giao thông, Cục Đăng kiểm thống kê có gần 26.000 xe ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải theo quy định trong lần kiểm tra đầu tiên và buộc phải khắc phục, sửa chữa (Mức 2 áp dụng từ 1/1/2021 cho các xe ô tô sản xuất từ năm 1999-2008 và từ 1/1/2020 cho xe sản xuất sau năm 2008).

Ông Lê Hoài Nam cho rằng, sự chênh lệch giữa quy chuẩn khí thải của xe mới và xe đang lưu hành đang tạo ra bất cập trong việc kiểm soát phát thải. Vì vậy, cần có sự đồng bộ thực hiện ở tất cả các khâu quản lý từ sản xuất, nhập khẩu phân phối nhiên liệu đến hạ tầng thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng.