Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi bỏ quy định thi nâng ngạch, thay bằng việc bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm. Cán bộ xã đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được chuyển thành công chức.

Thay mặt Chính phủ trình dự Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 28/4, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh việc sửa luật nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với Luật hiện hành.

Ngạch công chức chỉ để tính lương, bỏ thi nâng ngạch

Bộ trưởng Nội vụ cho biết luật lần này được sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.

Dự thảo cũng có quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật này.

Luật cũng sửa theo hướng chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, quy định việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ.

Đồng thời, Chính phủ đề xuất bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm theo năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ.

Công tác tuyển dụng công chức cũng được đổi mới theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.

Dự thảo luật mới bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.

Cùng với đó, việc sửa luật được thực hiện theo hướng nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.

Cùng với đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm và năng lực thực tiễn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất; quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành tiếp tục giữ nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”, đồng thời hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi các quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc, khắc phục chế độ “biên chế suốt đời”.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng chuyển hoàn toàn sang quản lý theo vị trí việc làm, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập nguyên tắc thiết kế vị trí việc làm trong dự thảo luật mới. Theo Bộ trưởng, vị trí việc làm là trung tâm của chế độ quản lý công chức, còn ngạch chỉ là công cụ cho phân định thứ bậc và thực hiện trách nhiệm trong nền công vụ.

Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật cũng dẫn chứng luật công vụ của rất nhiều nước trên thế giới đã loại bỏ quy định biên chế Việt Nam hiện áp dụng mà đi theo hướng hợp đồng công chức. Việc quản lý cán bộ như vậy rất linh hoạt, khi cần thì sử dụng, khi nhân sự không đáp ứng được yêu cầu thì phải ra khỏi hệ thống công vụ.

Vì thế, lần này dự thảo luật bổ sung cơ chế hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học nhưng với điều kiện đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của một số vị trí việc làm đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.

Trình bày hướng tiếp thu và quy định rành mạch hơn nội dung này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ quy định để đảm bảo được sự ổn định của nền công vụ, vừa tạo ra được một cơ chế mở rất linh hoạt để thu hút và trọng dụng người có tài năng, có chuyên môn sâu.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và Bộ Nội vụ cùng Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị hồ sơ dự án luật đầy đủ, có chất lượng.

Cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung trong tờ trình, ông Định khẳng định, dự thảo luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 9.